Ở tuổi 30, Phạm Lê Nguyên đã có trong tay một sự nghiệp vững chắc, với chức danh nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành vườn ươm khởi nghiệp và quỹ đầu tư 5Desire – hợp tác với các nhà đầu tư từ Sillicon Valley.
Sự nghiệp học hành của Phạm Lê Nguyên có thể làm cho nhiều người ngạc nhiên. Hồi cấp 1, Nguyên từng đi thi học sinh giỏi Văn, đến cuối cấp 2 cô chuyển sang học chuyên Lý. Chưa hết, vào cấp 3, Nguyên chuyển sang học… chuyên Hóa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Học giỏi đều các môn, nên Nguyên trở thành sinh viên Đại học Ngoại thương, bắt đầu nhen nhóm ước mơ khởi nghiệp khi còn trên giảng đường đại học.
Học thật, làm thật
- Cái tên Công ty cổ phần Đầu tư và Truyền thông ICT Việt Nam nghe khá lạ, nhưng nhắc đến tên tuổi của 5Desire và người sáng lập Phạm Lê Nguyên – được bình chọn trong danh sách “30 Under 30” của Tạp chí Forbes Việt Nam – thì giới khởi nghiệp đều biết tên. Thời đi học của chị có gì đặc biệt không?
Ngay từ bé, tôi đã tự xác định rằng nếu mình thực sự đam mê và nghiêm túc theo đuổi công việc mình làm, dù là việc khó, thì thành công sớm muộn cũng đến. Thời đi học, tôi học khá môn Văn hồi cấp 1 và được cô giáo cử đi thi học sinh giỏi. Tất nhiên cũng không mơ mộng gì đâu, nhưng cũng thấy say mê môn học này. Đến cuối cấp 2, tôi chuyển sang học chuyên Lý nhưng khi thi vào cấp 3 tôi lại “nhảy sang” lớp chuyên Hóa. Bạn bè nói tôi “tham”, nhưng quả thực tôi say mê cả Toán, Lý và Hóa (cười).
- Những người học giỏi các môn tự nhiên có tư duy tốt, chị lại có thiên hướng thích tự kinh doanh. Không giống đa số bạn bè cùng trang lứa chỉ tập trung vào việc học trong những năm đại học, chị lại dồn sức cho niềm say mê khởi nghiệp. Việc này diễn ra như thế nào?
Đúng như anh nói, ngay từ khi mới học đại học tôi đã bị cuốn theo những ý tưởng khởi nghiệp. Năm thứ 2 Đại học Ngoại thương, tôi đi thi và đạt giải Nhì cuộc thi khởi nghiệp do VTV3 tổ chức. Điều đó cũng khích lệ tôi theo đuổi con đường này. Đến năm thứ 4, tôi tiếp tục tham dự cuộc thi khởi nghiệp Kawai với dự án kenh14.vn. Đối với tôi, việc xây dựng được một sự nghiệp riêng luôn là ước mơ cháy bỏng.
- Quan niệm của chị về giá trị của việc học thật, học đi đôi với hành?
Vấn đề này đúng là rất quan trọng với tôi. Khi đi học, tôi cố gắng tìm tòi kiến thức bên ngoài sách vở, học từ thực tế, học từ Internet và học từ những người đi trước mình. Cách đây vài năm khi đã tạo dựng được cho mình một doanh nghiệp riêng, tôi có tham dự Chương trình Hạt giống Lãnh đạo IPL của Trường Doanh nhân PACE, do thầy Giản Tư Trung sáng lập.
Các giảng viên IPL yêu cầu chúng tôi nghe kiến thức trên lớp rồi tự tìm hiểu trên Internet, qua sách vở. Chúng tôi cũng được phát và giới thiệu nhiều sách tham khảo rất có giá trị. Theo ý kiến của cá nhân tôi, sinh viên Việt Nam chưa tận dụng được các nguồn lực để áp dụng vào việc học.
- Từ chuyện học giỏi đến chuyện ứng dụng các kiến thức đã học vào thực tế kinh doanh là một chặng đường chông gai, đôi khi khó vượt qua với những người trẻ khởi nghiệp. Chị giải quyết bài toán này ra sao?
Theo tôi, mọi kiến thức mình thu lượm được chỉ có giá trị thực tiễn nếu được áp dụng vào công việc kinh doanh, hoặc một dự án của mình. Giá trị của sự ứng dụng này rất lớn, bởi có làm thật mình mới bị vấp váp và rút kinh nghiệm được. Với cá nhân tôi, từ năm 2006 tôi và các bạn của mình đã có ý tưởng về việc mở ra một trang báo điện tử dành cho giới trẻ, lấy điểm mạnh là tốc độ đưa tin, hình ảnh đẹp và nội dung hấp dẫn. Chúng tôi đặt tên dự án là kenh14.vn và năm 2007 tôi đã mang dự án về VCCorp. Tôi và các cộng sự biến nó trở thành một dự án “sống”, chứ không phát triển cầm chừng như hồi vẫn chạy trên blog Yahoo 360.
- Bén duyên với VCCorp, chị còn theo đuổi dự án khởi nghiệp nào khác trong môi trường này không? Chị học được gì khi làm việc tại đây?
Năm 2007, tôi chuyển sang phụ trách "Vườn Ươm", một bộ phận hoàn toàn mới của VCCorp với chức năng tìm kiếm và ươm tạo dự án mới cho công ty. Kênh 14 có thể nói là dự án thành công nhất từ Vườn Ươm VCCorp. Tiếp đó là “Link hay”, hiện là cộng đồng chia sẻ link lớn nhất tại Việt Nam. Chúng tôi cũng khởi động dự án cài đặt GPRS của VC Mobile – thuộc VCCorp – khá thành công khi đóng góp tới 50% doanh thu cho VC Mobile vào năm 2008.
“Tìm kiếm và thắp lên ngọn lửa đam mê”
- Đang làm việc cho một tập đoàn lớn, tại sao chị không chọn “vùng an toàn” như nhiều phụ nữ khác, gắn bó với môi trường làm việc tốt, mức thu nhập tốt mà mạo hiểm với khởi nghiệp?
Năm 2009, tôi thấy cần thay đổi nên nghỉ việc tại VCCorp, vào TP HCM để học khóa học IPL của PACE như tôi đã nói. Tôi gặp Bryan Pelz, một nhà khởi nghiệp và đồng sáng lập VNG. Ông trở thành người hướng dẫn cho đề tài tốt nghiệp của tôi tại khóa học của PACE. Tôi học được rất nhiều từ Pelz khi làm việc với ông tại Klamr – dự án khởi nghiệp của riêng ông. Cũng vì đam mê khởi nghiệp mà tôi từ chối một suất học bổng đi học MBA tại Mỹ.
- Vậy 5Desire là gì và nó có xứng đáng để chị quyết định không đi Mỹ học không?
Pelz khuyến khích tôi theo đến cùng dự án riêng. Lúc đầu tôi và Huệ Giang (đồng nghiệp cũ ở Kênh 14 của VCCorp) đặt tên dự án đó là Vincubator (theo nghĩa “vườn ươm khởi nghiệp của Việt Nam), ra đời năm 2011. Nhưng sau đó, chúng tôi chọn cái tên 5Desire. Số “5” trong tiếng Anh có thể phát âm thành rất nhiều từ có nghĩa khác nhau: “Five” (số 5), “Find” (tìm kiếm”, “Fight” (chiến đấu, đấu tranh) hay na ná là “Fire” (thắp lửa, đốt lửa).
Điều thú vị là tất cả những chữ này đều ít nhiều liên quan đến tinh thần khởi nghiệp mà chúng tôi hun đúc với 5Desire. Khi ấy, tôi rất thích một chương trong cuốn sách “Think and Grow rich” của Napoleon Hill, nói về niềm đam mê, khát khao (tiếng Anh là “desire”).
Cuối cùng chúng tôi chọn tên 5Desire và slogan “Find and Fire your Fine Desire” (tạm dịch là “Hãy tìm kiếm và thắp lên ngọn lửa đam mê của bạn”). Cho đến giờ, tôi hài lòng với quyết định của mình.
- Như các dự án khởi nghiệp non trẻ khác, chắc chị phải tự xoay xở để duy trì công ty bằng nhiều công việc khác nhau, khi 5Desire chưa phát triển ổn định?
Vâng. Tôi và các cộng sự lúc đầu chủ yếu làm tư vấn khởi nghiệp và các sự kiện để nuôi công ty. Chúng tôi đóng vai trò như một bên kết nối những dự án khởi nghiệp tại Việt Nam với các nhà đầu tư và cộng đồng. 5Desire là kết quả của sự hợp tác giữa tôi và ba cổ đông ở Mỹ. Năm 2013, tôi nói chuyện với nhóm của mình tại Sillicon Valley, Mỹ và biến 5Desire thành vườn ươm khởi nghiệp và quản lý quỹ cho các nhà đầu tư cá nhân tại Sillicon Valley và Việt Nam, để đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam.
- Cụ thể thì 5Desire đang hoạt động ra sao và đầu tư vào những dự án nào?
Chúng tôi đang đầu tư vào 5 dự án khởi nghiệp tại Việt Nam, bao gồm otos.vn – sàn thương mại điện tử về ô tô; ahometo.com – dự án thương mại điện tử về nội thất và trang trí nhà cửa; một dự án thời trang và mỹ phẩm cho phái đẹp chuẩn bị ra mắt; chongiadung.vn – một công cụ tìm kiếm tập trung vào thương mại điện tử. Năm nay, tôi thành lập tiếp 5Desire Foundation, trực thuộc 5Desire, nhưng chuyên đầu tư vào các dự án khởi nghiệp trong các lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp và xã hội. Sản phẩm đầu tiên mà 5Desire Foundation tham gia đầu tư là eko.edu.vn, một trung tâm dạy tiếng Anh.
- Khởi nghiệp đang trở thành xu hướng thời thượng tại Việt Nam, dù chưa có thống kê chính thức về tỷ lệ thành công và thất bại của các dự án. Với kinh nghiệm cá nhân, chị nhìn nhận chuyện này thế nào?
Tôi có thể đúc kết từ các bài học thành công lẫn thất bại của mình rằng: nếu bạn thực sự yêu thích và chú tâm vào dự án của mình, kể cả lúc khó khăn nhất, thì "cả thế giới" sẽ quay lại giúp bạn. Nói cách khác, lúc dễ từ bỏ nhất mà bạn vẫn không ngừng cố gắng thì điều tốt đẹp sẽ xảy ra. Lấy ví dụ, năm 2011 tôi gặp trở ngại về dòng tiền, phải lựa chọn hoặc là tìm một công việc ổn định hoặc tiếp tục dấn thân. Năm 2012, tôi hết tiền, các cộng sự trong nhóm của tôi nghỉ việc hết. Trước đó, khi còn làm ở TP.HCM công việc của tôi rất tốt, một tháng đi du lịch hai lần.
Khi tôi quay ra Hà Nội để lập 5Desire, cảm giác như rơi xuống mặt đất bởi khó khán chồng chất khó khăn. Đúng thời điểm khó khăn nhất thì tôi nhận được giải thưởng trị giá 20.000 USD từ Softline Venture Partners – một quỹ đầu tư của Nga – cho những đóng góp của mình với cộng đồng khởi nghiệp công nghệ Việt Nam.
Theo kinh nghiệm tôi rút ra từ quá trình khởi nghiệp của mình, kiên định là một đức tính cần có của bất kỳ nhà khởi nghiệp nào, bởi khởi nghiệp luôn đi cùng với khó khăn và thách thức. Nếu bạn đang khởi nghiệp, hãy chắc rằng bạn đam mê với dự án đó đủ nhiều để sẵn sàng đương đầu với mọi trở ngại, dù chúng có lớn đến đâu. Lúc đó, bạn sẽ tìm thấy con đường khởi nghiệp đúng đắn của riêng mình.
- Xin cảm ơn chị!
Theo Thành Trung (Doanh nhân)